Giấc mơ nhỏ – Thành công lớn

Câu chuyện về ông chủ trẻ Đặng Hữu Hưng

Nhỏ người, nước da ngăm đen, vầng trán rộng và đôi mắt sáng lúc nào cũng như sắp bừng lên với những sáng kiến tràn ngập trong đầu…đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp gỡ chàng cựu sinh viên khoa Kỹ thuật Nông nghiệp – trường cao đẳng Cộng đồng Hà Tây – Đặng Hữu Hưng. 4 năm sau ngày ra trường, anh Hưng đã thành ông chủ, là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần dịch vụ Hưng Gia, quản lý một trang trại với diện tích hơn 5 ha, một đàn lợn hơn 2000 con, vịt, cá đầy ao, lúa nếp đầy nhà và một vườn cây ăn quả mà ai cũng phải mơ ước. Những tháng năm bươn trải khắp miền đất nước đã mang lại cho chàng trai sinh năm 1980 này một vốn sống dày dạn và những kinh nghiệm đủ để biết rằng:” với quyết tâm không mệt mỏi và tư duy thực tế, biết nắm bắt nguồn thông tin và cơ hội, ai cũng có thể sống và gây dựng sự nghiệp từ chính mảnh đất quê hương mình”.

          Chúng tôi đến thăm anh ở thôn Nghi Lộc, Xã Sơn Công huyện Ứng Hòa, Hà Nội vào một ngày Tháng Bảy oi bức. Mùi thanh hao thoang thoảng hai bên bờ đê như đưa đường chỉ lối cho đoàn xe đến với cánh cổng nhà nằm khiêm tốn phía chân con dốc cuối đê.

          Câu chuyện bắt đầu ngay trên bàn uống nước trà đơn giản và dưới tấm biển đề Nội quy trang trại, thẳng thắn, chân thành và cương quyết như chính tính cách của một người đã nhiều năm làm kinh doanh.

          Thi đỗ cả hai trường ĐH Giao thông vận tải và ĐH Hàng hải nhưng sau hơn một năm tận hưởng những thú tiêu khiển vô lo nghĩ kiểu sinh viên ở Hải Phòng, nhận thấy mình sinh ra không phải để làm những việc này, anh Hưng đã quyết định xin nghỉ học và nhập ngũ. Đến năm 2003, sau hai năm rèn luyện, anh đã là sỹ quan huấn luyện cho sinh viên Đại học Quy Nhơn.

           Nhưng dường như vẫn còn mảnh ghép nào đó còn thiếu trong bức tranh cuộc đời này, không hài lòng với sự nghiệp tưởng như đã quá “ổn định” ấy, năm 2005, anh Hưng quyết định giải ngũ. Vốn liếng trong tay chỉ có 2 triệu 750 nghìn đồng, anh quyết định mua một chiếc xe máy để có phương tiện làm ăn.

           Phải di chuyển nhiều đến khắp các tỉnh miền Bắc, vào Nghệ An rồi miền Nam, anh Hưng sớm nhận ra tầm quan trọng của phương tiện và đặt mục tiêu đến năm 2010 phải mua bằng được một chiếc xe ô tô. Không ai ngờ rằng, chính ý tưởng về đàn lợn hậu bị đã giúp anh hoàn thành mục tiêu này sớm hai năm.

           “Bố tôi luôn nhắc nhở một câu mà cho đến bây giờ tôi vẫn luôn thấy quá đúng, rằng đã là con nhà nông thì kiểu gì cũng phải bám vào mảnh đất, phải đi lên từ sản xuất và phải nắm chắc kỹ thuật. Vì thế, sau khi bôn ba nhiều nghề, tôi trở lại quê hương để làm giàu từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình”.

           Năm 2008, sau khi lập gia đình, anh Hưng đầu tư gây dựng mô hình trang trại với đàn lợn nuôi gia công cho tập đoàn CP (một trong những đơn vị hàng đầu về công-nông nghiệp của Thái Lan) và một đàn vịt, một thửa ruộng hơn 1 ha, thêm một ao cá để vừa kinh doanh vừa là tự cung tự cấp.

           “Làm nghề nông thì phải bám vào cây lúa. Kể cả khi làm ăn thất bại ở đâu thì cây lúa cũng không bao giờ phụ mình. Vì thế, nhà tôi quyết tâm để ra một diện tích để trồng lúa, không phải để bán mà chỉ là tự cung tự cấp thôi”. – Anh Hưng chia sẻ.

           Nhờ sự giúp đỡ của bố là một kỹ sư xây dựng, các chú trong gia đình và đặc biệt là một bạn đồng môn (cựu sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Hà Tây, nay là trưởng phòng Phát triển của tập đoàn CP), anh Hưng cùng bố góp được hơn 100 triệu đồng làm vốn xin đấu thầu 1 khoảnh đất của xã. Dần dần, khi công việc đã đi vào quy củ, anh thế chấp sổ đỏ của bố vợ, vay thêm ngân hàng và các chú được 2,6 tỷ đồng mở rộng quy mô trang trại, mua ô tô mới và trở thành ông chủ Công ty cổ phần dịch vụ Hưng Gia. Bước tiến táo bạo nhất và cũng đầy rủi ro trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các chính sách ưu đãi không nhiều.

           Tháng 6 năm 2011, cả gia đình bao gồm bố con anh Hưng và các chú đã ngồi lại để quyết định hạch toán cổ phần.

           “Khi đó tôi hiểu rằng dù tình cảm gia đình có sâu sắc tin tưởng nhau thế nào thì khi tính chuyện làm ăn, mọi việc về tài chính vẫn phải phân minh thì mới tồn tại và phát triển bền vững được. Vì thế, chúng tôi quyết định hạch toán cổ phần và nhập cả giá trị chiếc xe ô tô mới mua, bố con tôi sở hữu 52% cổ phần công ty. Tôi được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị và nắm quyền điều hành mọi việc”.

           Cuối năm 2011, khi mọi khoản nợ đã được hoàn trả đầy đủ, gia đình tứ đại đồng đường của anh Hưng có thể an tâm tận hưởng thành quả lao động trong suốt mấy năm qua.

           32 tuổi, năng động và nhiệt tình, không ngại khó và hiểu được tầm quan trọng của kiến thức trong nhà trường kết hợp với việc nắm bắt thông tin, cung cấp việc làm cho 15 nhân công, sở hữu khu chuồng trại với 2400 con lợn, hơn 10 tấn cá và một đàn vịt hơn 100 con, mỗi năm thu được gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi, vừa làm kinh doanh giỏi vừa tham gia sinh hoạt Đảng và đang là cán bộ ở địa phương, cho dù “ông chủ trẻ” Đặng Gia Hưng rất khiêm tốn nói rằng mình chỉ dám mơ ước những điều nhỏ nhoi, không cao sang gì nhưng cứ nhìn vào cơ ngơi có được, ai cũng hiểu, thành công này là rất lớn và đáng để học tập.

           2 giờ chiều, chúng tôi chia tay gia đình anh Hưng sau khi đã được thưởng thức bữa cơm đồng quê với toàn những món ngon “nhà trồng được”… mùi thanh hao vẫn quyện vào không khí trong mát như thể lưu luyến không muốn xa rời.

Khánh Vân
Hà Nội, Tháng 7/2012