Lắng nghe tâm sự của một Cựu sinh viên thành đạt từ chuyên ngành Trồng trọt

Chúng tôi được gặp anh Lê Thanh Tùng – Cựu sinh viên ngành Trồng trọt khóa 19 trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây trong một dịp anh về Nhà trường  tuyển dụng nhân sự cho Công ty TNHH Cây trồng Việt Nông. Gặp anh, được nghe những điều anh chia sẻ khiến chúng tôi thực sự ngưỡng mộ và cảm thấy tự hào vì đã đào tạo, bồi dưỡng được những kỹ sư có tài và có tâm như thế.

Anh Tùng hiện là một chuyên gia kỹ thuật của Công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh hạt giống rau màu chất lượng cao mang thương hiệu ViNo

1. Những suy nghĩ lớn của một chàng trai trẻ

 Ngay từ khi chân ướt, chân ráo bước vào cánh cổng của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, anh Tùng đã luôn trăn trở trước việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Anh cho biết: Thời điểm mình theo học, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng. Hơn 80% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhưng điều mình băn khoăn là tại sao người nông dân vẫn chưa thoát nghèo và làm giàu bằng chính nghề nông? Với suy nghĩ đó, mình đã biết bản thân nên chọn ngành nào và học để làm gì? Cứ thế, như một cái duyên, mình quyết định chuyên tâm cho việc tìm hiểu về ngành Trồng trọt.

Và thời gian không phụ lòng người học trò giàu ý chí và ham học hỏi.  Ngay từ khi ra trường, anh là một trong số rất ít những sinh viên xuất sắc được nhận vào làm việc tại Công ty TNHHEast-West Seed (Hai mũi tên đỏ) lừng danh một thời. Những tưởng như vậy đã là thành công cho một tân cử nhân ngành Trồng trọt mới ra trường. Nhưng không phải vậy. Bởi nếu có thể thì anh đã không khước từ một công việc ổn định của một cán bộ Huyện (khi ấy chú ruột anh đang là một Phó chủ tịch của một Huyện tại Hà Nội).

 Kể từ khi được tuyển dụng, anh lao vào cống hiến và trải nghiệm từ những công việc bình dị nhất của một người nông dân chân chính: nào là ủ phân chuồng, làm luống, nào là gieo hạt và phun thuốc trừ sâu bệnh;… Anh chia sẻ: Một số bạn sinh viên bây giờ nghĩ xa quá, mơ ước viển vông quá. Nghề nào cũng cao quý nhưng đòi hỏi bạn phải có cái tâm, phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt mà ý nghĩa. Có như thế bạn mới thực sự thành đạt.

Công ty nơi anh Tùng làm việc đang  giới thiệu đặc tính giống mới và tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân tại Trung tâm nghiên cứu của công ty.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của chàng Cựu sinh viên

Và khi thực sự trưởng thành, anh rời công ty Hai mũi tên đỏ và đầu quân cho Công ty TNHH Việt Nông do anh Trần Xuân Trường – vốn là sinh viên khóa 17 cùng trường với anh làm Giám đốc. Chỉ với 3 thành viên trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp và một tham vọng táo bạo về việc phát triển ngành giống rau màu cho nền nông nghiệp nước nhà, Ban Giám đốc Công ty Vino trong đó có anh đã trải nghiệm hầu hết những khó khăn của những người nông dân thứ thiệt: Từ trăn trở về hạt giống, cây trồng, đồng ruộng trong mùa khô hạn cũng như khi mưa bão cho đến việc liệu đại lý có chấp nhận phân phối những hạt giống mới không tên tuổi…

Giống dưa hấu ViNo F1 Thuận Phong 1.0 của công ty Việt Nông

Giờ đây, sau hơn 6 năm hình thành và phát triển, Việt Nông của các anh đã nghiên cứu ra những sản phẩm hạt giống rau màu với các đặc tính vượt trội so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường như: Năng suất cao, kháng bệnh tốt, chất lượng thương phẩm ngon, được thị trường ưa chuộng.  Đặc biệt, cam kết của công ty là mang đến lợi nhuận cao nhất cho nông dân thông qua những hạt giống chất lượng cao.

2. Chuyên gia kỹ thuật Lê Thanh Tùng với sinh viên ngành Khoa học cây trồng của Nhà trường

Nói về công việc của mình, anh Tùng khiêm tốn nói: Không như những ngành khác đòi hỏi người học phải có những năng khiếu, tố chất đặc thù mới có thể theo học, ngành Khoa học cây trồng chỉ đòi hỏi người học có tinh thần học tập tốt và yêu thích lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là có thể theo học. Chính sự yêu thích sẽ giúp sinh viên vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.

Anh Lê Thanh Tùng – chuyên gia kỹ thuật của Công ty TNHH Cây trồng Việt Nông đang phỏng vấn sinh viên ngành Khoa học cây trồng của Nhà trường

Cũng với suy nghĩ ấy, anh đã dành cho cácbạn Sinh viên đang đứng trước thời điểm quan trọng khi phải lựa chọn một môi trường làm việc thích hợp mộtlời nhắn giản dị nhưng chân thành rằng: Thực tế hiện nay, các nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi khá cao ở ứng viên khi tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu thật sự học tập tốt và yêu nghề thì sau khi tốt nghiệp sinh viên hoàn toàn yên tâm đối với yêu cầu công việc.

Một tiết học của sinh viên Ngành Khoa học cây trồng tại  trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây

Anh cho rằng khoa Nông học của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây hiện nay với chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng hiện đại và có tính ứng dụng cao; đội ngũ giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ giàu kinh nghiệm, cùng với cơ sở vật chất hiện đại, đã là môi trường tốt nhất để các bạn học tập,  nghiên cứu và tiếp xúc với doanh nghiệp. Vì thế các bạn sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại rất nhiều vị trí như: Chuyên viên các cơ quan thuộc ngành Nông nghiệp; Kỹ thuật viên trong phòng kiểm nghiệm;  Kỹ thuật viên trong các công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất giống cây trồng, bảo quản nông sản; Quản lý trang trại cây ăn trái, rau màu, cây lúa và cây công nghiệp….

Hiện tại, chúng ta đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện môi trường. Do đó, chúng ta đang cần nhiều lao động có trình độ cao trong lĩnh vực trồng trọt để có thể đưa nền nông nghiệp nước nhà bước đi lên một tầm cao mới như Cựu sinh viên Lê Thanh Tùng và nhiều thế hệ sinh viên ngành Khoa học cây trồng của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây nói riêng và cả nước nói chung.

Chúng tôi xin chúc anh ngày càng thành công hơn nữa trên con đường mà anh đã chọn!

Bài: Trương Liên
Ảnh: Xuân Khương