Người cán bộ đi lên từ trong bối cảnh khủng hoảng nhất!

Chúng tôi tìm đến nơi làm việc của đồng chí Phạm Đức Huấn vào một buổi sáng đầu tháng 7/2013. Vào thời điểm này, công việc của một Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy rất bận rộn. Mặc dù rất vui khi biết tôi là một giảng viên của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây nhưng chú vẫn phải hẹn tôi vào buổi chiều hôm đó.

Tôi đặt vấn đề muốn viết về cuộc đời chú, song chú chỉ cười hiền và nói “Tớ có gì đâu mà kể”. Tuy vậy, trong khoảng thời gian 2 giờ ngồi nói chuyện, đặc biệt là những chuyện về quãng thời gian còn theo học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Tây (nay là trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây), chúng tôi đã được nghe rất nhiều chuyện thú vị.

Cựu sinh viên Phạm Đức Huấn – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ứng Hòa

Kể về những kỷ niệm thời còn đi học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, đôi mắt sáng của một nhà lãnh đạo tài năng bỗng trở nên đầy cảm xúc. Trong câu chuyện mà chú kể, chúng tôi nhận ra lòng biết ơn chân thành của một Cựu sinh viên say mê học hỏi. Chú cho biết, mình rất tâm đắc với cách giảng dạy của các giảng viên giàu kinh nghiệm và tận tâm vì học trò của Nhà trường. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt lúc đó thầy trò đều khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô rất nhiệt tình. Chú đặc biệt trân trọng nhắc tới công ơn dậy bảo của những thầy cô như: cô Nguyễn Thị Châu, cô Từ Thị Xuyến, thầy Hoàng Phanh, thầy Lương Văn Nhạ, thầy Hoàng Đình Trà,…

Quãng thời gian được học tập và rèn luyện tại Nhà trường thực sự đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cuộc đời của người cán bộ tâm huyết này.

Gian nan thời Sinh viên…

Sau khi xuất ngũ trở về, là một đảng viên trẻ được Hợp tác xã nông nghiệp Kim Đường cử đi học, anh bộ đội Phạm Đức Huấn trở thành sinh viên lớp Kinh tế 7 khóa 10 của  Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Sơn Bình (Nay là trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây).

Chú kể “Năm đầu tiên đi học, mình đã có vợ và một cháu nhỏ, sang đến năm thứ hai, gia đình lại chào đón thêm một thành viên mới. Cuộc sống gia đình tuy hạnh phúc nhưng lại vô cùng khó khăn: một người vợ trẻ với hai đứa con thơ hai bố mẹ già và hàng mẫu ruộng… Thương vợ con, có những thời điểm, mình phải nghỉ học để ở nhà đỡ đần công việc gia đình. Nhưng một, hai buổi nghỉ học ấy cũng chẳng giúp người vợ mới sinh bớt vất vả. Và thế là, một ý nghĩ đã nảy sinh trong đầu là đành gác lại giấc mơ của riêng mình để có thể chung vai gánh vác công việc cùng vợ trong cuộc mưu sinh để lo cho gia đình, con cái ăn học nên người”.

Nghĩ là làm, anh học trò nghèo đã bày tỏ sự  tiếc nuối khi phải rời xa mái trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây của mình với các bạn đồng môn. Nhưng điều mà anh không ngờ được rằng chính gia đình và bạn bè khi đó, ai nấy đều động viên, giúp đỡ nhiệt tình để anh có thể quay lại trường hoàn thành khóa học còn dang dở. Kể đến đây, đôi mắt của Cựu sinh viên xuất sắc của nhà trường như muốn khóc. Và anh cũng không quên những người bạn như bạn Hựu, Hinh, Long, Dưỡng… khi ấy đã vượt qua trên 50 chục cây số để về tận nhà cấy hộ anh, thậm chí có bạn còn gác lại công việc bề bộn của gia đình để giúp đỡ anh vượt qua khó khăn, chỉ để anh tiếp tục đến trường học.

Như được tiếp thêm động lực, anh sinh viên trẻ ấy lao vào học một cách say mê. Bất chấp con đường đến trường có gập ghềnh xa xôi cách trở, tuần nào anh cũng đạp xe đến trường rồi lại tranh thủ từ trường về với gia đình. Phần thưởng giành cho anh sinh viên ấy chính là những điểm số cao cho hơn 40 môn học, luôn đạt thành tích nổi bật và sự hài lòng của thầy cô. Năm cuối khóa, đề tài “Hoàn thiện một bước cơ chế khoán sản phẩm đến hộ gia đình xã viên theo cơ chế khoán 10 của Bộ Chính trị ” của sinh viên Phạm Đức Huấn được Khoa Kinh tế chọn để báo cáo đầu tiên và đã dành được điểm 8, đứng đầu Khoa khi đó.

Nói đến đây, chú Huấn lại trầm ngâm nhớ lại “ Bốn năm học tập dưới mái trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, có những lúc vì tuổi trẻ nông nổi nên trong lớp cũng có một số bạn xao nhãng chuyện học hành nhưng được các thầy cô nhắc nhở, động viên kịp thời nên tôi và các bạn cùng lớp luôn quyết tâm học tập để đạt kết quả tốt nhất. Lúc nào tôi cũng suy nghĩ rằng mình phải học thật tốt, thật giỏi để trước hết là lo cho bản thân, có thể lo cho gia đình của mình như lời thầy Nhạ từng dặn dò

Lận đận lúc ra trường…

Cầm trên tay tấm bằng Giỏi, chàng sinh viên Phạm Đức Huấn quay trở lại quê nhà mong được cống hiến sức trẻ cùng với trị thức học được ở Nhà trường cho quê hương. Nhưng những gì diễn ra khi đó tưởng như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của một tân cử nhân trẻ tuổi.  Hợp tác xã quy mô bị xé lẻ thành hợp tác thôn, thôn xảy ra vụ việc kinh tế, chính quyền xã buông lỏng quản lý, một số phần tử kích động nhân dân khiếu kiện lên các cấp, đào phá hủy hoại lấn chiếm đất canh tác, chống người thi hành công vụ, chống đối không đóng góp các nghĩa vụ với tập thể và các sắc thuế với nhà nước; tình đoàn kết nội bộ nhân dân trong thôn xóm bị chia rẽ; Đảng, chính quyền bị mất lòng tin với nhân dân, Thôn Tu Lễ – xã Kim Đường trở thành điểm nóng của huyện Ứng Hòa. Giữa một khung cảnh hỗn loạn như thế, anh sinh viên ngày nào trăn trở tìm cách để cùng địa phương tháo gỡ khó khăn lập lại trật tự, trả lại sự bình yên cho thôn xóm.

Ngay sau năm ra trường, năm 1992, tôi trở về quê tham gia cấp ủy chi bộ thôn Tu Lễ – Kim Đường,  thời điểm đó đang là một trong những điểm nóng của Huyện. Tháng 4 năm 1994, Đại hội Đảng bộ xã tôi trúng cử vào Đảng ủy, Ban thường vụ Đảng ủy và tháng 12/1994 được HĐND xã bầu làm chủ tịch UBND xã Kim Đường, khi ấy tôi 32 tuổi

Nhắc lại những dấu ấn này, bên cạnh sự xúc động là cả một niềm tự hào, hưng phấn khi vượt qua khó khăn để chiến thắng.

Là một người đứng đầu một tập thể khi còn rất trẻ, đồng chí Chủ tịch xã trẻ tuổi đã phải mất rất nhiều thời gian công sức, thậm chí là lòng dũng cảm để vượt qua thử thách, lập lại trật tự cho quê hương.

Chú Huấn kể: “có những thời điểm, gia đình bị khủng bố rất gay gắt, hoa mầu ngoài đồng thì bị phá nát, cả gia đình đang ngồi trong nhà cũng bị ném đá, thậm chí tính mạng của mình và vợ con thường xuyên bị đe dọa,…” Nhưng với quyết tâm và bản lĩnh chính trị vững vàng, vị lãnh đạo 32 tuổi ấy đã nhanh chóng  nhận diện vấn đề, tìm nguyên cớ và đưa ra các giải pháp kiên quyết thực hiện một cách có hiệu quả đó là: dồn điền, đổi thửa, giao ruộng kết hợp với thu hồi nợ đọng, thực hiện công bằng xã hội. Do kiên quyết thẳng tay thực hiện nên một số đối tượng chống người thi hành công vụ đã phải ra lệnh bắt và xử lý giải quyết theo pháp luật. Và cứ thế vượt qua hàng vạn khó khăn, chỉ sau một năm, người cán bộ ấy đã giải quyết dứt điểm toàn bộ những vấn đề nhức nhối trong toàn xã của nhiều năm trước. Sau khi giải quyết các vụ điểm nóng, tình hình thôn và xã trở lên ổn định và phát triển, các công trình phúc lợi được quan tâm, đời sống kinh tế của nhân dân có bước phát triển, mối quan hệ tình cảm truyền thống tốt đẹp từng bước được hàn gắn trở lại.

Và… Thành công nối tiếp thành công

Kim Đường từ một “điểm tối” trở thành một “điểm sáng” năm 1996,  ruộng đất nông nghiệp được giao theo cách làm mới, giao theo NĐ 64/CP đồng thời dồn thành ô to không manh mún, mỗi hộ còn từ 3-4 ô và hình thành các trang trại lúa – cá – vịt (là một trong 4 điểm có phong trào dồn ô đổi thửa đầu tiên của huyện Ứng Hòa), đường làng ngõ xóm được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đời sống của người dân Kim Đường cũng từ đó ấm no, hạnh phúc…  Một điều đáng mừng nữa là cũng từ đó,  Đảng bộ Kim Đường luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

“Các bạn trẻ hãy nỗ lực học tập và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”

Từ năm 2000 đến nay, Chủ tịch xã Phạm Đức Huấn đã về công tác tại Huyện ủy Ứng Hòa và luôn được đảm nhiệm những trọng trách quan trọng. Hiện nay, ngoài công việc chính là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, chú Huấn còn là Trưởng Ban Kinh tế xã hội – Hội đồng nhân dân Huyện, Bí thư Đảng ủy của cơ quan Dân – chính – Đảng của Huyện ủy,…

Khi chúng tôi hỏi chú có muốn nhắn nhủ gì với thế hệ Sinh viên sau này của Nhà trường thì chú nhiệt tình chia sẻ: “Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây bây giờ đã phát triển mạnh hơn rất nhiều so với thời mình học nên mong các bạn sinh viên tận dụng tối đa mọi điều kiện học tập để lĩnh hội kiến thức cho bản thân, trước hết là nỗ lực học hỏi cho mình và sau đó là chung tay đóng góp cho đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh”.

Từ một cậu học trò nghèo, tưởng đã phải dừng bước trước cổng trường Cao đẳng nhưng nhờ nỗ lực biết vươn lên trong cuộc sống, chú Huấn đã gặt hái được thật nhiều thành công, khiến nhiều sinh viên khác phải khâm phục.Chàng sinh viên lớp Kinh tế 7 năm nào – Phạm Đức Huấn giờ đây đã là một cử nhân Đại học, không chỉ là một Cựu sinh viên thành đạt của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây mà còn là người có nghị lực, có hoài bão, là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta học tập./.

Hà Nội, tháng 7/ 2013

         Trương Liên