Gương sáng người trồng rau công nghệ cao

Một sáng cuối tuần tháng 7, thầy trò chúng tôi trở lại Hợp tác xã Rau Cuôi Quy trong tiếng cười nói của các đoàn hội nông dân đến tham quan, trải nghiệm và học tập. Các em học sinh và các bác nông dân được chị giám đốc dẫn đi xem mô hình các nhà lưới, cuốc đất, gieo hạt mầm rau, thu hoạch rau, mô tả sự phát triển của các loại rau. Người giám đốc mà tôi nhắc đến chính là chị Đặng Thị Cuối.
Chắc hẳn cái tên Đặng Thị Cuối không còn xa lạ với hầu hết những người nông dân trồng rau Công nghệ cao trong thành phố Hà Nội. Chị Đặng Thị Cuối hiện là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý (HTX Cuối Quý) ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Nhiều năm qua, chị Cuối đã cùng chồng là anh Nguyễn Đăng Quý mạnh dạn đầu tư sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. HTX Cuối Quý còn phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, để hàng năm giúp sinh viên đến thực tập, và thăm quan, học hỏi kinh nghiệm, sản xuất rau công nghệ cao, ngay trên địa bàn Thủ đô trong đó có học sinh trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây.

Góc nhà lưới của Hợp tác xã rau Cuối Quý

Trong năm học 2023-2024 chị Quý đã tiếp nhận 25 học sinh lớp Trồng trọt, khoa Kỹ thuật Nông nghiệp. Mỗi học sinh thực tập 1 tháng được hỗ trợ kinh phí ăn ở đi lại, đồng thời được hỗ trợ sinh hoạt phí tùy theo khả năng và vị trí công việc mà học sinh có thể đảm nhận. Bằng cách này, học sinh sẽ được học hỏi nhiều kiến thức sản xuất, kinh doanh, công nghệ, quản lý, đồng thời được đào tạo thêm về kỹ năng lao động, thái độ làm việc trước khi trở thành một người lao động có chuyên môn thực sự. Chương trình này trở thành hoạt động sinh hoạt chuyên môn ngoại khoá mang lại nhiều ý nghĩa không chỉ đối với học sinh mà đối với cả cán bộ, giảng viên trẻ của Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây hướng dẫn đoàn sinh viên thăm quan trải nghiệm.
Không chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, chị còn tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân, nhận hỗ trợ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu/năm. Đến nay một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định đời sống. Từ những trải nghiệm trên con đường lập nghiệp, bà Cuối còn tích cực phối hợp Hội Nông dân địa phương hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ ở các tỉnh; để cùng nhau phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp.
“Có những cụ già đi xe đạp từ nơi khác đến nhờ tư vấn. Tôi biết được hoàn cảnh neo đơn của họ nên giới thiệu mô hình trồng bông hẹ. Sản phẩm này không phải chăm sóc nhiều, trong khi lại cho năng suất cao, giá thành ổn định, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 10 lần, mỗi lần được vài trăm nghìn đồng. Hay có những bạn muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng không biết bắt đầu từ đâu, tôi sẵn sàng hướng dẫn, giới thiệu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để các bạn làm. Ban đầu, nếu các bạn gặp khó khăn về đầu ra, tôi lại tiêu thụ hộ. Nhiều bạn trong số này đến nay đã thành công. Tôi luôn mong muốn hỗ trợ để mọi người cùng đi lên”, chị Cuối kể.
Hiện nay, trang trại rau sạch Cuối Quý có tổng cộng 80 nhà màng với hơn 30 loại rau củ quả, một nhà màng sản xuất trên 10 lứa/năm. Ngoài các loại như rau mồng tơi, bí, su su, rau má, cà tím, mướp, các loại rau thơm, măng tây xanh, súp lơ lấy ngồng, ngô lấy quả non và ngọn …chị Cuối còn trồng thêm các loại cây ăn quả đu đủ, bưởi, ổi, nho. Hàng kỳ trang trại rau chị Cuối được kiểm định chất lượng và đều đạt kết quả rau hữu cơ được đảm bảo hàm lượng hóa chất và vi sinh gây hại trong đất và nước ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép. Chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chứ không giấu diếm đến các farm các vùng trong huyện Đan Phượng và một số tỉnh, thành phố trên cả nước để chuyển giao công nghệ. Trong quá trình tích cực chuyển giao công nghệ lắp đặt hệ thống nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm đất, bón phân, gieo hạt để cho cả chủ các farm cũng như nhân công học hỏi. Đến thời điểm hiện tại chuyển giao công nghệ cho 27 farm ở miền Bắc, riêng trong Nam mới làm được 6 farm. Không chỉ được biết tới ở Việt Nam, bà Cuối còn nhận được nhiều lời mời chuyển giao công nghệ từ lãnh đạo các nước như Canada, Băng-la-đét, Lào. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, bà Cuối còn được đích thân Chủ tịch nước Lào đến tận trang trại rau mời sang làm kỹ thuật nông nghiệp với vốn đầu tư lên đến 40 tỷ đồng.

Vườn nho Hạ đen tại Hợp tác xã rau Cuối Quý

Mô hình trang trại rau của HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý áp dụng nguyên tắc “5 không”: không sử dụng thuốc diệt cỏ, không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi và bảo vệ thiên địch. Tuy không mới nhưng thực hiện được là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả bà Cuối và nhân công của HTX.
Để sản xuất rau sạch đảm bảo chất lượng, toàn bộ giống rau được vợ chồng bà Cuối ông Quý nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Quy trình sản xuất theo phương phát khép kín từ trong ra ngoài, phân bón hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng cách phun sương chờ ngày thu hoạch. Các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, rau dền, rau muống… có thể thu hoạch được từ 15 đến 18 ngày sau gieo hạt, cho năng suất lên đến 500kg/nhà màng 100m2/lứa với giá bán 20.000 đồng/kg.

Học sinh lớp TT3 tại HTX rau Cuối Quý

Với những kết quả đạt được, góp phần làm giàu cho quê hương và hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con nông dân, chị Đặng Thị Cuối đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen năm 2017; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2018; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020. Chị còn là đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” toàn quốc. Đạt danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020. Năm 2022, chị Cuối là một trong 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Đặc biệt, tháng 4/2023 vừa qua, HTX Cuối Quý được nhận bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xây dựng nông thôn mới. Bà Cuối còn góp mặt trong Lễ Biểu dương 63 HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2023.

Bài viết và ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Biên tập: Trần Tuấn Biên