Đọc hiểu văn bản là một trong hai phần bắt buộc có trong đề thi tốt nghiệp THPT. Phần này tuy không chiếm phần lớn số điểm nhưng lại có vị trí rất quan trọng bởi nó quyết định điểm cao hay thấp trong một bài thi. Để làm đúng và làm tốt phần Đọc hiểu trong đề tthi tốt nghiệp THPT, học sinh cần lưu ý một số nội dung như sau:
1. Nắm vững cấu trúc đề thi THPT Quốc gia ở phần Đọc hiểu:
– Phần Đọc hiểu cho một ngữ liệu (đoạn thơ, bài thơ, trích đoạn tác phẩm tự sự, trích đoạn bài báo…có trong chương trình học hoặc ngoài chương trình)
– Có 4 câu hỏi tương ứng với 3 mức độ từ thấp đến cao:
+ Nhận biết (câu 1-2)
+ Thông hiểu (câu 3)
+ Vận dụng (câu 4)
2. Yêu cầu của phần Đọc hiểu
Câu 1:
– Yêu cầu: Nêu, liệt kê đặc điểm hình thức/nội dung
– Trả lời: Viết câu văn dạng kể, tả, đầy đủ thành phần
Câu 2:
– Yêu cầu: Trình bày một/một số nội dung chi tiết, cụ thể trong văn bản (đòi hỏi học sinh phải tìm kiếm, xác định chính xác thông tin cần trả lời)
– Trả lời: Viết câu văn dạng kể, tả, kèm theo các dẫn chứng của hình ảnh/từ ngữ,…có trong văn bản
Câu 3:
– Yêu cầu: Trình bày sự hiểu biết của bản thân về vấn đề, có kết nối thông tin trong và ngoài văn bản
– Trả lời: Viết câu văn dạng nghị luận (tự luận ngắn): Nêu cách hiểu và làm rõ dựạ trên các thông tin thu được trong văn bản và ngoài cuộc sống
Câu 4:
– Yêu cầu: Trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của vấn đề đặt ra theo hướng liên hệ cá nhân trong cuộc sống hiện tại
– Trả lời: Viết câu văn nghị luận (tự luận ngắn) nêu ý nghĩa/bài học và lý giải dựa trên những suy nghiệm cá nhân
3. Hướng dẫn học sinh cách nhận diện để trả lời các câu hỏi phần Đọc hiểu:
Câu 1:
* Có 6 dạng bài tập:
– Bài tập nhận diện thể loại, thể tài
– Bài tập nhận diện phương thức biểu đạt
– Bài tập nhận diện bố cục
– Bài tập nhận diện chủ thể trữ tình
– Bài tập thống kê số lượng nhân vật
– Bài tập nhận diện ngôi kể
* Cách làm: Lấy nội dung hỏi làm chủ ngữ để viết câu trả lời
Ví dụ:
– Thể thơ của văn bản trên là thể tự do (hoặc Văn bản trên được viết theo thể thơ tự do)
– Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là biểu cảm
Câu 2:
* Có 5 dạng bài tập:
– Bài tập phát hiện biện pháp tu từ
– Bài tập xác định chi tiết nghệ thuật, đặc điểm hình tượng
– Bài tập xác định đề tài, cảm hứng chủ đạo
– Bài tập xác định ý kiến, quan điểm của người viết
– Bài tập xác định thông tin chính hoặc cách trình bày thông tin
* Cách làm: Sử dụng những từ khóa thể hiện vấn đề được hỏi trong câu hỏi để làm chủ ngữ cho câu trả lời. Kèm theo đó là nêu dẫn chứng cụ thể về từ ngữ, hình ảnh, dòng thơ, câu văn,…thể hiện nội dung trả lời
Ví dụ:
– Biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ 1 là so sánh (…) và điệp từ (…)
– Trong văn bản, hình ảnh người lính gắn liền với gió, cát,…
– Theo tác giả, vận may khác với thành quả vi…
Câu 3:
* Có 5 dạng bài tập:
– Bài tập lí giải hiệu quả, tác dụng của biện pháp tu từ
– Bài tập giải thích đặc điểm của hình tượng
– Bài tập xác định và giải thích chủ đề của văn bản
– Bài tập giải thích ý nghĩa từ văn bản và hiểu biết cá nhân
– Bài tập lí giải cách lập luận, cách trình bày thông tin
* Cách làm: Bám sát các từ khóa chứa đựng nội dung hỏi để bắt đầu viết câu trả lời. Viết khoảng 2-3 câu tùy nội dung được hỏi. Câu 1 có thể nêu hoặc nhắc lại nội dung trong văn bản. Câu 2-3 giải thích, chứng minh, làm rõ hoặc trình bày các khía cạnh của vấn đề
Ví dụ:
– Trong khổ 2, tác giả sử dụng thành công biện pháp tu từ so sánh (….). Với biện pháp này, hình tượng… trở nên sinh động, giàu hình ảnh. Không những thế, so sánh còn giúp cho người viết khắc họa một cách nổi bật đặc điểm của…
– Những câu văn trên đã giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của mỗi dòng thơ…đối với cuộc sống của mỗi người. Vì qua đó, chúng ta thấy được…
Câu 4:
* Có 5 dạng bài tập:
– Bài tập xác định ý nghĩa, bài học, kinh nghiệm sống đối với bản than
– Bài tập xác định ý nghĩa, bài học đối với cuộc sống mỗi người, với bạn trẻ
– Bài tập xác định cảm nghĩ, ấn tượng sâu sắc đối với bản than
– Bài tập xác định giá trị lịch đại và đồng đại của văn bản
– Bài tập trình bày quan điểm, suy nghĩ cá nhân về ý kiến trong văn bản
* Cách làm: Viết khoảng 5-7 dòng nêu ý nghĩa, bài học, ấn tượng, nhận xét, đánh giá… Dòng 1-2 nêu rõ quan điểm, thái độ, ý nghĩa, bài học. Dòng 3-5 nêu lí do giải thích. Hạn chế xưng “tôi”, “em” trong bài
Ví dụ:
Nội dung của văn bản đã giúp mỗi bạn đọc nhận ra ý ngĩa quan trọng của sự thấu cảm trong cuộc sống. Vì nếu thiếu thấu cảm, con người sẽ như robot lạnh lùng, sẽ trở thành những người vô cảm, tàn nhẫn. Thấu cảm giúp chúng ta gần gũi và yêu thương nhau, góp phần tạo nên xã hội tốt đẹp.
4. Chiến thật Đọc – hiểu:
– Bước 1: Đọc kỹ câu hỏi, gạch chân từ khóa quan trọng trong câu hỏi
– Bước 2: Đọc văn bản
– Bước 3: Viết câu trả lời
Trên đây là một số lưu ý giúp các em học sinh lớp 12 ôn luyện và làm tốt, làm đúng phần thi đọc hiểu trong kì thi tốt nghiệp THPT.
Chúc các em thi tốt!
Lê Hằng