Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Thực hiện Công văn số 3116/UBND-ĐT, ngày 19/9/2024 của UBND Thành phố Hà Nội V/v xủ lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Tôi xin thông tin một số nội dung liên quan đến An toàn giao thông để cán bộ, viên chức, người lao động và Học sinh, Sinh viên, Học viên Nhà trường biết và thực hiện như sau:
Mỗi năm trên thế giới có 1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương, nguyên nhân tử vong hàng đầu chủ yếu là thanh thiếu niêu từ 15 đến 27 tuổi;
Ở Việt Nam riêng năm 2023: toàn quốc xảy ra: 22.067 vụ Tai nạn giao thông (TNGT); 11.628 người chết; 15.292 người bị thương; Như vậy, trong năm 2023, bình quân mỗi ngày: Xảy ra hơn 60 vụ TNGT; Hơn 31 người bước chân ra khỏi nhà nhưng mãi mãi không quay trở về; Hơn 41 người đang khỏe mạnh bị mất đi sức khỏe, trí tuệ, có những trường hợp bị thương tật suốt đời do TNGT, trở thành gánh nặng cho người thân của họ và toàn xã hội;
Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông) trên toàn cầu. Đây là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn giao thông và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ;
Các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân TNGT nhằm chia sẻ nỗi đau với thân nhân nạn nhân TNGT đồng thời là lời nhắc nhở với những người đang sống cần hành động để giảm thiểu TNGT.

Năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 6.576 tỷ 166 triệu đồng, tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 664.197 trường hợp, tạm giữ 1.070.534 phương tiện. Cơ quan Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 4.985 vụ, 5.086 bị can. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 4.862 vụ, 5.096 bị can (Tòa án nhân dân các cấp đã xét 4.508 vụ, 4.707 bị cáo).
Theo thống kê năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 người bị thương và trong số đó có gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.
Thiệt hại do tai nạn giao thông: Khoảng 70% nạn nhân TNGT trong độ tuổi lao động gây tổn thương đến gia đình, người bị nạn và toàn xã hội. Thiệt hại do tai nạn giao thông tại Việt Nam không gì có thể bù đắp được. Phía sau những vụ TNGT là hàng vạn mái ấm gia đình bị tổn thương; hàng ngàn cháu nhỏ vĩnh viễn mất đi cha, mẹ; bậc phụ lão mất đi chốn nương tựa cho những năm tháng cuối đời. Nỗi đau này là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Hàng năm, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD do tai nạn giao thông. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam, tai nạn giao thông gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày chúng ta mất khoảng 400 tỷ đồng (Nguồn: https://vov.vn).
Nguyên nhân gây tai nạn giao thông:
1. Không chú ý quan sát;
2. Đi sai làn đường, phần đường quy định;
3. Vi phạm nồng độ cồn; cơ thể có chất ma túy khi điều khiển phương tiện 4. Phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ ;
5. Vi phạm tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường’
6.Không giữ khoảng cách an toàn;
7. Vi phạm quy trình thao tác lái xe;
8. Không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện;
9. Sử dụng điện thoại khi đang lái xe;
10. Không thắt dây an toàn khi đi ô tô;
11. Thiếu kỹ năng phán đoán xử lý các tình huống nguy hiểm, bất ngờ;
12.Không chú ý quan sát, không tuân thủ tín hiệu khi đi qua đường sắt;
13. Người đi bộ sang đường không đúng quy định…

Theo Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới: Cần: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm TTATGT; Nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT; xác định bảo đảm ATGT là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư: có 06 nhóm nhiệm vụ sau:
Nhiệm vụ 1: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Nhiệm vụ 2: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.
Nhiệm vụ 3: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Nhiệm vụ 4: Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.
Nhiệm vụ 5: Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông.
Nhiệm vụ 6: Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao
Theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; với những nội dung cơ bản sau:
1. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
2. “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
3. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
4. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.
5. Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, ATGT, trật tự an toàn xã hội.
6. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên…vv.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Nếu người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn giao thông làm thiệt hại về người, tài sản thì tùy theo mức độ thiệt hại có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù; đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, thiệt hại về tài sản theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015;
Giải pháp an toàn giao thông:
1.Hạn chế tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết bất lợi (sương mù, mưa bão, ngập lụt,…);
2. Giảm tốc độ, chú ý quan sát, phán đoán trước các tình huống nguy hiểm để xử lý kịp thời.
3. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ để đảm bảo an toàn (đèn sương mù, đèn cảnh báo,…) 4. Tránh đi vào các vị trí ngập sâu, các vị trí có nguy cơ cây gãy đổ, vật bay,…
5. Không uống rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện GT;
6. Điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, phần đường quy định;
7. Luôn tập trung quan sát, không chuyển hướng bất ngờ;
8.Không phóng nhanh, vượt ẩu;
9. Tuân thủ đúng tốc độ quy định, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước;
10. Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện;
11. Chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu đường bộ – không vượt đèn đỏ.
12. Luôn làm chủ tốc độ, phán đoán các trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra để làm chủ trong mọi tình huống.
13. Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô.
14. Không sử dụng điện thoại khi đang lái xe.
15. Chấp hành nghiêm túc quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt.
16. Mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh khi đi phà, đò, tàu thủy.
17. Khi điều khiển ô tô tham gia giao thông trên đường cao tốc cần đặc biệt lưu ý tốc độ cho phép, đi đúng làn đường, luôn giữ khoảng cách an toàn với phương tiện đi phía trước; chỉ được dừng, đỗ, ra, vào ở những nơi cho phép.
18. Trang bị các kỹ năng lái xe an toàn (phòng, tránh điểm mù; kỹ năng phán đoán và xử lý các tình huống,…).
19. Tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện khẩu hiệu:

“Phía trước tay lái là sự sống, đằng sau tay lái là người thân và gia đình đang chờ đón bạn.”.
“ Hãy vì sự an toàn của chính bạn và những người xung quanh;
“Đã uống rượu, bia không lái xe Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Bài viết được tham khảo từ Ban an toàn Giao thông Thành phố Hà Nội./.

Bài viết và ảnh: Nguyễn Doãn Tiến