TUYÊN TRUYỀN TÁC HẠI CỦA VIỆC HÚT THUỐC LÁ VÀ TÁC HẠI CỦA RƯỢU BIA ĐỐI VỚI SỨC KHOẺ CON NGƯỜI

1. Tác hại của việc hút thuốc và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người.
Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng được quan tâm song vẫn có không ít những tác nhân làm nguy hại đến sức khỏe con người. Một trong số tác nhân ấy là việc hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử… (gọi chung là thuốc lá).
Chưa khi nào xã hội đẩy mạnh việc cấm hút thuốc lá như hiện nay. Bất kì nơi công cộng nào cũng có những hàng chữ: “Cấm hút thuốc”, “No smoking”,… Trên mỗi vỏ bao thuốc lá đều có dòng chữ: “Thuốc lá có hại cho sức khỏe”. Vậy mà thực tế, bất chấp điều cảnh báo ấy, người ta vẫn hút thuốc trong số đó có nhiều bạn đang là học sinh, sinh viên. Hút đến vàng răng, vàng cả ngón tay cầm thuốc, hơi thở hôi đến khó chịu với những người xung quanh. Có một thời, thuốc lá trở thành vật không thể thiếu trên bàn tiếp khách. Người lớn hút, trẻ nhỏ cũng hút. Nguyên nhân nào dẫn đến thói quen tai hại ấy?
1.1. Nguyên nhân.
Ban đầu, chúng đến một cách ngẫu nhiên, tình cờ. Tuổi trẻ thường ham vui, ham lạ, hiếu kì, tò mò, thích bắt chước hình ảnh, hoặc muốn khẳng định rằng mình đã lớn trước mặt bạn bè và mọi người. Đó thường là những cú “hích” xui nhiều chàng trai mới lớn đốt điếu thuốc đầu tiên trong đời. Khi được hỏi, họ “lí sự” nghe rất “có lí”: “Thuốc lá có thể có hại, nhưng cũng có thể có mặt lợi nào đó. Nếu không thế thì xưa nay những ai hút thuốc đều làm chuyện vô bổ cả hay sao?” Vậy thì tại sao lại “có lí”? Bởi thực tế trong thuốc lá có chất kích thích có khả năng giúp đầu óc tỉnh táo, những người hay bị căng thẳng có thể dùng. Mặt khác, mùa đông, một điếu thuốc có thể giúp cơ thể ấm lên trong những ngày lạnh, đặc biệt trong những lúc phải chờ đợi một ai đó.
1.2. Tác hại.
– Khói thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim…
– Chất Nicôtin có trong thuốc lá là một chất có khả năng gây nghiện rất cao. Một lần thử, hai lần thử … rồi đến một lúc nào đó, không còn chịu được nữa. Thiếu nó ta cảm thấy bồn chồn, chống chếnh, buồn và lại tìm đến nó như tìm đến một sự giải thoát, một nguồn vui.
– Nguy hiểm hơn, trong khói thuốc lá có hơn bốn nghìn thứ hóa chất độc hại sẽ tàn phá không chừa bất kì bộ phận nào làm suy nhược cơ thể một cách nặng nề. Nhắc đến hút thuốc lá là nhắc đến các bệnh lao phổi, suy gan,… Mỗi điếu thuốc sẽ là một mồi lửa đốt “miếng da lừa” tuổi thọ của ta cháy nhanh hơn.
– Nhắc đến hút thuốc lá là nhắc đến ô nhiễm môi trường, gây hại cho người xung quanh.
– Các nhà nghiên cứu khoa học đã đưa ra nhận xét: “Khói thuốc là “sát thủ” thể khí đối với sức khỏe của con người”. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc. “Thế thì có phải chỉ có người hút mới chịu những tác hại xấu do thuốc lá gây ra?” .
Ngoài con đường hút thuốc trực tiếp, thuốc lá còn có thể gây hại qua việc ta hít phải khói thuốc của người khác. Trẻ em và người lớn, những người không hút thuốc nhưng sống trong khói thuốc của người khác chịu rủi ro cao hơn hoặc mắc các bệnh kinh niên và cấp tính về hô hấp cũng như sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.
– Hút thuốc lá – nghiện thuốc lá cũng đồng nghĩa với việc người hút tự cắt giảm thu nhập của mình. Mỗi ngày hút nửa bao, một bao. Thuốc rẻ tiền thì cũng mất cả trăm nghìn một tháng, thuốc “xịn” thì phải tiền triệu. Hãy thử làm phép nhân để xem người nghiện hút một tháng, một năm, một đời đốt hết bao nhiêu tiền ra khói? Có thể số tiền dành cho việc hút thuốc lá một ngày không nhiều, nhưng nếu không hút thuốc lá, ta có thể sử dụng số tiền đó vào những việc hữu ích hơn. Đối với học sinh, sinh viên việc học đòi hút thuốc lá vừa làm nguy hại đến sức khỏe vừa làm cho tâm tính bị thay đổi dẫn đến dối trá, trộm cắp vặt để có tiền hút thuốc,…
1.3. Vậy làm thế nào để ngăn chặn việc hút thuốc lá?
– Trước tiên chúng ta phải hiểu được tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe chúng ta và hướng đến những hình ảnh về lối sống khỏe mạnh và tích cực thu hút mọi người tham gia. Coi việc hút thuốc lá là hành vi không đẹp bởi nó là biểu hiện của nghiện ngập và những con người dễ bị chi phối. Và yếu tố quan trọng nhất là bản thân phải tự ý thức cao, chủ động không tiếp cận với khói thuốc lá để giữ gìn, bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình.
2. Tác hại về rượu bia đối với sức khoẻ con người
Ngày nay, bia rượu là một thức uống rộng rãi và rất phổ biến. Hầu hết người dân đều xem đó là một thức uống giải nhiệt hiệu quả mà không để ý rằng bia, rượu là những đồ uống rất hại cho sức khỏe.
– Bia, rượu làm ức chế ảnh hưởng tới thần kinh, khiến thông tin truyền đi trong não bộ chậm hơn bình thường.
– Các tế bào thần kinh ở não bộ rất nhạy cảm trước bất cứ chất độc nào, do đó với lượng cồn lớn trong bia rượu được đưa vào từ đường máu sẽ gây ra những rối loạn trầm trọng trong sự hoạt động của vỏ não và làm cho vỏ não không còn kiểm soát, điều chỉnh được hoạt động của người. Từ đó, gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liều lĩnh hơn.
– Rượu, bia làm cho cơ tim bị thoái hóa, bộ máy tim mạch bị tổn thương: Đau đầu xuất hiện, khó thở, mắt cá sưng to.
– Rượu, bia có thể gây viêm loét dạ dày. Khi lượng bia, rượu đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ gây ra bệnh viêm dạ dày cấp, lóet dạ dày và tá tràng. Nghiện rượu cũng gây ra các biến chứng như thủng dạ dày và chảy máu dạ dày
– Khi rượu vào cơ thể, nó được hấp thu nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết. Sau đó, rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%). Chính vì lý do này mà chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến của gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan, men gan tang, bị nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan.
– Rượu, gây ra thiếu B1, làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức… dần dần dẫn tới suy tim. Nhiễm độc rượu dẫn tới viêm cơ tim cấp, gây nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát ở những người bình thường.
– Rượ, bia làm giảm khả năng tấn công vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch. Chính vì thế mà người say rượu rất dễ bị cảm, trúng gió…
Ngoài ra, rượu bia còn làm thay đổi sự hóa ứng động bạch cầu, do đó người nghiện rượu dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, lao phổi, nếu không phát hiện sớm có thể tử vong.
– Rượu, bia làm suy yếu sự trao đổi chất, gia tăng axit uric – nguyên nhân của bênh gout. Người uống rượu cũng sẽ thường cảm thấy đau nhức, mỏi xương khớp.
– Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh. Sử dụng rượu nhiều sẽ gây ra một số các bệnh lí rối loạn tâm thần.
– Cho nên rượu đóng một yếu tố lớn trong tái phát các bệnh lí tâm thần. Rượu làm hoang tưởng, ảo giác, kích động vận động nặng lên ở giai đoạn cấp của bệnh, mặc dù vẫn tuân thủ điều trị bằng thuốc… nó còn làm tăng lo âu, sầu uất, trầm cảm, làm gia tăng các ý tưởng tự sát, xu hướng kích động tấn công.
Trên đây là các tác hại của khói thuốc lá và tác hại của rượu, bia đối với sức khoẻ con người, mong rằng các em HSSV, viên chức, người lao động có ý thức tự giác để phòng ngừa những chất độc hại cho sức khoẻ của mình và những người thân.

Tin bài: Nguyễn Thanh Thương