Hoạt động thực tế bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp

Nhằm đa dạng môi trường học tập, thực hành cho các học viên cán bộ lớp bưởi chuyên sâu, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ đào tạo và liên kết doanh nghiệp đã tổ chức buổi học trải nghiệm thực tế vào ngày 18/10/2020 tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Buổi trải nghiệm có sự tham gia của tiến sỹ Hoàng Đức Huế, Phó Hiệu trưởng nhà trường; thầy Đỗ Xuân Bình, giám đốc Trung tâm Tư vấnhỗ trợ đào tạo và liên kết doanh nghiệp; cán bộ chuyên trách của Trung tâm Phát triên nông nghiệp Hà Nội cùng các học viên của lớp.

Mở đầu buổi trải nghiệm, cả đoàn được đi thăm vùng quy hoạch trồng bưởi đỏ Tân Lạc. Tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc không khó để nhận thấy trên khắp các triền đồi bát úp là những vườn cây bưởi đỏ ngút ngàn xanh tốt. Nhiều năm qua, với lợi thế về đất đai khí hậu, nông dân xã Thanh Hối tích cực mở rộng trồng mới tăng diện tích cây bưởi Đỏ Tân Lạc để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.

Thiết kế vườn trồng mới cây bưởi đối với đất đồi
Vườn bưởi  ở thời kỳ kiến thiết cơ bản
Vườn bưởi thời kỳ thu hoạch
Giảng viên Nguyễn Anh Tuấn trao đổi kỹ thuật chăm sóc bưởi ở giai đoạn quả chín với chủ vườn

Xóm Tân Hương là một trong những xóm tiêu biểu về trồng bưởi đỏ, cây bưởi đỏ đã giúp người dân nơi đây đổi đời với nhiều vườn cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Ghé thăm vườn bưởi 10 năm tuổi, rộng 1 ha của gia đình bác Tính tìm hiểu được biết, mấy năm gần đây, năm nào vườn bưởi của gia đình bà cũng cho năng suất, chất lượng ổn định. Đi sâu vào trong vườn, cây nào cây nấy sai trĩu quả và bắt mắt hơn khi những trái bưởi đã chuyển dần sang sắc vàng óng ả. Có được điều đó là nhờ bác Tính đã áp dụng khoa học kỹ thuật, cộng với những kinh nghiệm, bí quyết sau nhiều năm trồng bưởi. Cũng tại vườn bưởi đỏ nhà mình, bác Tính đã nói chuyện, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quy trình bón phân, tưới nước và cắt tỉa cho cây bưởi đỏ, kỹ thuật chăm sóc cho cây bưởi đỏ ra nhiều hoa, sai quả để tránh gió Tây Nam hại hoa, hại quả.

Các mô hình trồng bưởi này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Giảng viên và học viên trong lớp học tại vườn bưởi đỏ ở thời kỳ thu hoạch.

Cuối buổi đi thực tế tham quan, học tập các mô hình, học viên trong lớp rất hồ hởi, vui mừng được tích lũy nhiều kiến thức bổ ích và một số kỹ năng thực hành nghề trồng bưởi đỏ Tân Lạc.

Bài: Nguyễn Anh Tuấn
Ảnh: Trần Tuấn Biên.