Nguyễn Ngọc Diệp là con lớn trong một gia đình có bố mẹ là nông dân sinh sống tại xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tốt nghiệp THCS, em lựa chọn học ngành Chăn nuôi thú y hệ TCCN 3 năm tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây.
Phải sống xa gia đình khi mới 16 tuổi, cái độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng Ngọc Diệp luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày để làm sao cho bố mẹ, thầy cô không phải lo lắng về mình. Em không chỉ chăm học, thực hiện tốt nội quy, mà còn đặc biệt tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Ngọc Diệp tâm sự, năm 14 tuổi, sau khi tình cờ xem một phóng sự về công tác thiện nguyện trên truyền hình, tự em bắt đầu tìm đến các đoàn tình nguyện. Mùa đông năm 2015, khi đó em mới vào học lớp 10, em đã lên kế hoạch tham gia các hoạt động thiện nguyện tặng quà cho trẻ em miền núi có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vì lo lắng cho sự an toàn của em, thầy giáo chủ nhiệm và các thầy cô đã khuyên em nên lựa chọn cách thức phù hợp, vì em mới 16 tuổi thôi, việc tham gia những hoạt động không do nhà trường tổ chức, thiếu sự giám sát của phụ huynh có thể dẫn đến những rủi ro, bất trắc khó lường; và em biết có nhiều cách khác nhau để để thể hiện tấm lòng nhân ái của mình.
Công việc thiện nguyện của em bắt đầu từ việc thu gom những bộ quần áo, đồ dùng học tập, sách vở của chính mình để gửi đi giúp đỡ các học sinh có hành cảnh khó khăn. Sau đó, em chủ động sắp xếp thời gian để tham gia các đoàn thiện nguyện ở địa phương và các địa bàn lân cận và mỗi khi có thông tin về các địa phương gặp thiên tai, những người có gia cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc những hoàn cảnh cơ nhỡ, mồ côi, không nơi nương tựa … em lại chủ động tuyên truyền, kêu gọi các nhà hảo tâm để cùng chung tay giúp đỡ.
Thời gian theo học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây của Ngọc Diệp không chỉ là những chuỗi ngày dài sáng, chiều đi học, mà còn là những buổi tối đi làm vacxin gia cầm đến nửa đêm hoặc 1, 2 giờ sáng để kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt đỡ đần gánh nặng cho bố mẹ, vậy mà em vẫn không quên tích cóp để mua mì tôm và lương khô hay thuốc men giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai. Em bỏ ngoài tai những lời bàn tán của một số người cho rằng em đang lo chuyện bao đồng và đón nhận niềm vui, niềm hạnh phúc khi được sẻ chia, được nhìn thấy nụ cười của các em bé nghèo khi được nhận manh áo mới hay quà bánh mỗi ngày lễ tết. Với em, làm việc thiện hoàn toàn bắt nguồn sự tự nguyện, không ai đòi, ai bắt, không cần ai biết, và cũng không cần được khen.
Hỏi em về những địa chỉ em từng tham gia làm từ thiện thì em bảo nhiều lắm em không nhớ hết, nhưng chắc chắn là có những cái tên như xã Vĩnh Tiến, xã Hạ Bì ở Kim Bôi, xã Phú Cường ở Tân Lạc (Hòa Bình), hay phát quà cho người vô gia cư ở Hà Nội, thăm hỏi tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ… Hình ảnh về những chuyến đi cũng hiếm hoi, bởi em không chủ động ghi lại mà phải xin từ những người cùng đoàn.
Khi viết những dòng này, bản thân tôi không khỏi cảm thấy ngưỡng mộ cô học trò nhỏ của mình. Ở độ tuổi mà rất nhiều người còn hoàn toàn phụ thuộc gia đình, chưa có hình dung cụ thể về định hướng của tương lai, dễ bị cuốn theo những trào lưu “sống ảo” thì em đã làm được rất nhiều việc, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn góp phần giúp ích cho xã hội. Mong em luôn giữ vững niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bởi chính những hành động của em đã và đang góp phần làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.
Kim Ngọc Hưng