NHỮNG LỖI SAI CẦN TRÁNH KHI LÀM BÀI THI TRẮC NGHIỆM TRONG KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT 2022.

Từ ngày 6 đến ngày 9/7/2022, các cô cậu học trò sinh năm 2004 sẽ trải qua một sự kiện đặc biệt, dấu mốc quan trọng trên hành trình trưởng thành của bản thân, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Lịch thi chi tiết từ ngày 6-9/7 như sau:

Hình ảnh học sinh CĐCĐHT dự thi TN THPT 2021 tại điểm thi THPT Lương Sơn – Hòa Bình.

Để có tâm thế tốt nhất khi bước vào phòng thi, trước khi đi thi ở mỗi buổi thi, thí sinh cần kiểm tra lại xem chắc chắn mình đã đủ giấy tờ cần thiết, đồ dùng học tập được phép mang vào phòng thi chưa. Tránh tâm lí chủ quan, khi vào phòng thi, chúng ta thiếu giấy tờ hoặc đồ dùng học tập sẽ gây bất lợi về mặt tâm lí. VD: chọn bút chì đầu nhọn sẽ khó tô, dễ gãy hoặc tẩy không phù hợp sẽ khó tẩy sạch, thậm chí làm rách phiếu TLTN.

Khi làm bài thi trắc nghiệm, để không bị mất điểm đáng tiếc, các em cần tránh ngay một số lỗi sai dưới đây: 

– Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được SBD.

 – Không tô mã đề, tô mã đề không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề nào.

– Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.

–  Gấp phiếu TLTN làm phiếu bị biến dạng hoặc viết, vẽ những nội dung không liên quan vào phiếu TLTN.

Thí sinh cần chú ý những lỗi này trong quá trình làm bài để không bị mắc phải.

Đối với thí sinh vi phạm quy chế thi thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 49 của Quy chế thi. Riêng bài thi tổ hợp cần lưu ý chỉ trừ điểm của môn thành phần nào mà thí sinh vi phạm kỷ luật (mức độ khiển trách trừ 25% điểm, mức độ cảnh cáo trừ 50% điểm), không trừ điểm môn thành phần mà thí sinh không vi phạm kỷ luật.

Điều 49 trong Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông có nếu rõ về việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi như sau:

Khiển trách đối với những thí sinh phạm lỗi một lần: Nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác. Hình thức này do cán bộ coi thi quyết định tại biên bản được lập.

– Cảnh cáo đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi dưới đây:

Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách;

Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác;

Chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo do cán bộ coi thi quyết định tại biên bản được lập, kèm tang vật (nếu có).

– Đình chỉ thi đối với các thí sinh phạm một trong các lỗi dưới đây:

Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; Mang vật dụng trái phép vào phòng thi (vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi.

Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm…

Với môn thành phần Lịch sử trong tổ hợp KHXH, thí sinh cần tránh một số lỗi cụ thể sau:

1 – Đoán mò, khoanh bừa đáp án. Đoán bừa là chọn phương án mà không có cơ sở hay manh mối về các sự kiện lịch sử, không nhận biết được sự kiện, nhân vật, thời gian, địa điểm. Lỗi sai này khỏi cần lấy ví dụ, vì không có kiến thức thì làm bài thi sẽ đoán bừa. Trong các cấp độ, nhận biết lịch sử là cấp độ thấp, nếu thí sinh không ghi nhớ sự kiện lịch sử thì thường xuyên mắc lỗi này.

2 – Quên từ “KHÔNG” trong câu hỏi. Với dạng câu hỏi phủ định, thí sinh có thể chọn phương án sai do quên từ “không”. Trong 4 phương án thì có 3 phương án phản ánh đúng bản chất sự kiện, chỉ có 1 phương án sai. Lỗi này mắc do đọc thiếu, đọc vội, không phân tích đề cẩn thận, thí sinh dễ mất điểm vì bỏ qua từ “không”.

3 – Bị phương án gây nhiễu đánh lừa. Loại câu có các phương án gần đúng, hoặc chứa các từ khóa có vẻ đúng, hoặc nhiễu thời gian, không gian, nhân vật lịch sử…cũng khiến thí sinh dễ bị bối rối, chọn nhầm phương án gây nhiễu. Lỗi này thường do không hiểu bản chất của sự kiện, do đọc đáp án vội vàng, do thiếu phân tích các phương án.

4 – Bỏ qua các từ chỉ thứ tự, tần suất, mức độ. Những từ như trước, sau, giữa, đầu, cuối, tất cả, hầu hết, một số, luôn luôn, không bao giờ, cao nhất…tuy có vẻ không quan trọng nhưng khiến nhiều thí sinh mất điểm do lỗi này. Lỗi này ngoài nguyên nhân như các lỗi trên, còn do việc không hiểu bản chất của vấn đề lịch sử.

5 – Không liên kết kiến thức và vận dụng thực tế. Với những câu hỏi đòi hỏi vận dụng, thí sinh thường gặp sai khi thiếu phân tích, kết nối kiến thức với kiến thức đã biết và thực tế cuộc sống.

Ngoài ra, thí sinh cần nhớ phải kiểm soát được thời gian làm bài

Trong 50 phút, thí sinh phải hoàn thành 40 câu, vì vậy nên phân bổ thời gian và kiểm soát thời gian làm bài hợp lí.

Trong khi chờ phát đề, các em ghi đầy đủ các thông tin cần thiết vào phiếu TLTN, ghi sẵn câu hỏi từ 1 đến hết vào giấy nháp. Sau khi đã nhận đề các em thực hiện theo các bước sau:

Lần 1 (Tối đa 5 phút):  Đọc nhanh hết lượt các câu hỏi, vừa là để kiểm tra đề có lỗi sai như lặp câu, thiếu câu, thiếu đáp án hay mất trang, thiếu trang hay không (trường hợp này các em báo ngay giám thị để đổi đề); đồng thời cũng để tăng tính tự tin về mặt tâm lí khi chúng ta thấy trong đề có những câu hỏi “quen quen”.

Lần 2 (Tối đa 25 phút): Đọc từ câu 1, câu nào chắc đáp án khoanh luôn vào phương án lựa chọn, đồng thời ghi luôn đáp án đã chọn vào giấy nháp. Câu nào không làm được đánh dấu ghi chú băn khoăn (Đánh dấu hỏi chấm thật đậm ngay đầu câu hỏi). Sau khi đã làm đến câu 40 thì tô luôn các đáp án đã chọn vào phiếu TLTN, tránh tình trạng mải làm bài, đến khi cuối giờ mới vội vàng tô gây sai sót hoặc không kịp giờ mà giám thị đã thu bài.

Lần 3 (Tối đa 10  phút): Trở lại với các câu đã đánh dấu băn khoăn, dùng phương pháp loại trừ, suy luận. Câu nào không làm được đánh dấu hỏi tiếp, khoanh vào các phương án phân vân. Đến lúc này làm được câu nào ghi luôn vào nháp và cũng tô luôn vào phiếu TLTN.

Lần 4: Còn câu nào chưa làm được, bắt buộc chọn 1 phương án trong số phương án phân vân. Tối đa 5 phút. Không được bỏ sót câu nào không tô đáp án. Dù sao chúng ta cũng có xác suất 25 % trả lời đúng cho câu đó. Vì thế “thà tô nhầm còn hơn bỏ sót”

Kiểm tra, hoàn thiện: tối đa 5 phút. So đáp án trong giấy nháp với phiếu TLTN xem có sai sót gì không. Nếu còn thời gian, so lại lần nữa đáp án trong đề thi với phiếu TLTN. Cẩn thận không bao giờ là thừa, vì nhầm lẫn thứ tự câu khi tô đáp án từ giấy nháp vào bảng trả lời là lỗi khá nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến điểm liệt nếu tô lệch quá nhiều.

Tùy theo trình độ để phân bố thời gian làm bài tối ưu. Với môn Lịch sử, học sinh  cần dành nhiều thời gian cho 24 câu đầu, mức độ nhận biết và thông hiểu, tránh mất thời gian cho câu vận dụng cao.                                                       

Chúc các thí sinh bình tĩnh, tự tin, chiến thắng!

Bài: Thân Giang.

Ảnh: Nguyễn Quyến