Vẫn là những ngày tháng 7, nhưng hôm đó nhường chỗ cho cái nắng gay gắt, đổ lửa trên những con đường, là một không khí dịu mát xen lẫn những cơn mưa mùa Hạ chợt đến chợt đi đã khiến cho buổi ghé thăm một địa danh nằm ở phía Tây Nam Thành phố Hà Nội – vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú gồm núi cao, rừng thẳm, suối dài của chúng tôi trở nên thật ngọt ngào và thi vị.
Vâng, chúng tôi đang muốn nhắc tới vùng bán sơn địa – Mỹ Đức – một huyện từ lâu đã nổi tiếng với danh lam thắng cảnh Hương Sơn hay Hồ Quan Sơn đẹp như một vùng “Hạ Long” trên cạn.
Với những ưu đãi tuyệt vời của thiên nhiên, nhiều người cho rằng kinh tế của huyện Mỹ Đức chủ yếu là du lịch. Thế nhưng, hiện nay bên cạnh du lịch, huyện cũng tập trung phát triển các ngành kinh tế khác như nông nghiệp và công nghiệp. Trong những năm qua, huyện đã phát triển theo hướng khai thác những lợi thế và tiềm năng sẵn có, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh đầu tư nhiều mặt. Từ việc xây dựng phương thức quản lý đến việc ổn định những cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển từng cây, con, từng vùng chuyên canh… đưa nhiều giống cây con, mới, chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Huyện đang đẩy mạnh tổ chức sản xuất các nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, nghề dệt, nghề thêu đồng bộ với mở rộng thêm nghề mới như mây tre đan. Hằng năm, huyện đều tổ chức mở các lớp khuyến nông, đào tạo nghề.
Theo chân các đồng chí lãnh đạo của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây về công tác tại Huyện ủy Mỹ Đức, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được biết đại đa số những cán bộ lãnh đạo chủ chốt – những người đã góp phần không nhỏ làm nên sự giàu mạnh của của vùng đất này đều đã từng là những sinh viên tích cực nhất của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây.
Tự hào vì Nhà trường có một danh sách dài cựu sinh viên thành đạt
Rất nhiều những cái tên thân thuộc với biết bao thế hệ thầy cô trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây giờ đã là những vị lãnh đạo tài năng và nắm giữ nhiều trọng trách của Huyện ủy Mỹ Đức.
Có thể kể ra đây một số đồng chí tiêu biểu như: Hoàng Mạnh Sơn – Phó Bí thư huyện ủy – Chủ tịch UBND Huyện; Đặng Văn Cảnh – UVTV- Trưởng ban Tuyên giáo HU, Nguyễn Văn Vỹ – Phó TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Đoàn Thị Lý HUV- Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, Phạm Hữu Sách – HUV- Trưởng phòng tài nguyên Môi trường, Bạch Văn Đông – Cán bộ Phòng tài nguyên – Môi trường, Lê Hải Hồng – Phó phòng Kinh tế huyện, Trương Anh Tuấn – Phó phòng Kinh tế huyện, Nguyễn Văn Quân – Trạm trưởng trạm Bảo vệ Thực vật, Mai Văn Ngạn – Pchủ tịch Hội Nông dân huyện, Đặng Quang Huy – Phó ban Dân vận Huyện ủy, Trần Văn Thể – HUV- Phó chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, Nguyễn Thị Khanh – Trạm trưởng Trạm Khuyến Nông huyện, Nguyễn Hồng Vũ – Trạm phó Trạm Khuyến Nông huyện, Đào Hải Quân – Trưởng phòng Thanh tra xây dựng huyện, Nguyễn Thị Phấn – Giám đốc Trung tâm BDCT huyện.
Một “bữa tiệc” gặp mặt với nhiều cảm xúc bồi hồi
Tiếp chúng tôi ban đầu là đồng chí Phó Bí thư huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Hoàng Mạnh Sơn và đồng chí Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện – Nguyễn Thị Phấn vốn là Cựu sinh viên những khóa đầu tiên của Nhà trường, nhưng chỉ ít phút ngay sau đó đã có thêm rất nhiều các đồng chí là trưởng – phó các Phòng – Ban – Hội khác lần lượt tìm đến. Nhẩm đếm, cũng phải đến gần 20 đồng chí với nhiều chức vụ quan trọng.
Trong văn phòng ngăn nắp, trang trọng của đồng chí Phó Bí thư huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện, tất cả các cô, các chú, các anh, các chị như đang tạm quên đi những trọng trách mà mình đang đảm nhận, thay vào đó là những tiếng cười giòn tan của cả thầy và trò. Tất cả dường như đều quá vui mừng sau nhiều năm mới được gặp lại.
Ôn lại những kỷ niệm ngày còn trên giảng đường của ngôi trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, các đồng chí mỗi người một tâm trạng nhưng cảm xúc hạnh phúc xen lẫn tự hào vì từng được làm sinh viên của Nhà trường trong mỗi người dường như vẫn còn vẹn nguyên.
Tôi đặc biệt ấn tượng trước những câu chuyện mà các đồng chí vốn là sinh viên của Nhà trường chia sẻ. Đó là những ký ức của đồng chí Nguyễn Văn Quân – Trạm trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện, đồng chí Nguyễn Thị Phấn – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, đồng chí Đặng Văn Cảnh – Uỷ viên thường vụ – Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy,…
Tựu chung một cảm xúc bùi ngùi nhưng hạnh phúc vì qua câu chuyện mà các đồng chí kể thì trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây khi ấy vì trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, cả thầy và trò đều rất vất vả nhưng các thầy cô rất nhiệt tình và đổi lại các trò mặc dù có những lúc phải đi trồng sắn, trồng mía hay hái cam và trực trại trâu thì cũng vẫn không quên nhiệm vụ là hăng say học tập và rèn luyện đạo đức.
Đồng chí Nguyễn Thị Phấn vừa kể vừa khẳng định chắc nịch rằng thời ấy tuy vất vả thật nhưng vui và có lẽ chính vì như thế các thế hệ sinh viên khi ấy mới có được thành quả như ngày hôm nay. Nữ Giám đốc của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện say sưa kể chuyện nhưng cũng không quên gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các thầy, các cô trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây.
Chia tay gần 20 Cựu sinh viên có mặt tại buổi gặp mặt ngắn ngủi hôm đó quả thật là không dễ. Vẫn còn đó bao sự nuối tiếc, nuối tiếc vì tình thầy trò chưa kể hết, nuối tiếc vì thời gian không cho phép chúng tôi có thể ngồi lại lâu hơn. Nhưng chúng tôi vẫn luôn tin tưởng rằng cho dù đi đâu, làm gì và ở đâu, dù cuộc sống vẫn còn nhiều bộn bề lo toan thì mỗi thành viên có mặt hôm nay đều có chung một cảm xúc, một mong muốn là sẽ có một ngày không xa được trở về trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây để thăm lại mái trường xưa yêu dấu, được gặp và thăm hỏi sức khỏe các thầy cô kính mến và được sẻ chia bao chuyện vui buồn cùng bạn bè sau bao năm xa cách…