Quý IV năm 2016, Ban điều phối Chương trình 02-CTr/TU Thành uỷ Hà Nội – Ban Điều phối Nông thôn mới đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cấp huyện và cấp xã trên địa bàn các huyện và thị xã của Thành phố.
Nhận lời mời của đơn vị trúng thầu, khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã cử giảng viên tham gia giảng dạy cho các lớp cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới thuộc các ngành cấp Huyện và cấp Thôn, Xã ở các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Hoài Đức, Sóc Sơn, Đông Anh và Đan Phượng.
Tại mỗi lớp học, các giảng viên và học viên đã trao đổi về những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, cũng như các vấn đề đặt ra và những giải pháp thực hiện xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 trên cả nước và ở Thành phố Hà Nội. Học viên tham dự các lớp được hướng dẫn nghiên cứu các tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình số 02-CTr/TU Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016 – 2020” và các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Chương trình của các cấp giai đoạn 2016 – 2020.
Các giảng viên được phân công lên lớp tập huấn đã chuẩn bị bài giảng công phu, lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng học viên và sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp nhằm truyền thụ tối đa những kiến thức cơ bản về chương trình xây dựng Nông thôn mới. Học viên các lớp tập huấn đã tham dự đầy đủ, tiếp thu bài giảng với thái độ nghiêm túc, tích cực thảo luận với tinh thần thẳng thắn và cởi mở. Sau phần học lý thuyết, các học viên được tham quan thực tế những mô hình tiêu biểu trong công tác xây dựng Nông thôn mới.Nhờ đó, kết quả mà mỗi học viên thu được không dừng lại ở những kiến thức xây dựng Nông thôn mới mà quan trọng hơn là việc được chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm mới.
Với việc đổi mới chương trình theo hướng tập trung bồi dưỡng kỹ năng; cập nhật, bổ sung kiến thức mới, lấy người học làm trung tâm và có báo cáo thực tiễn từ cơ sở…, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới ngày càng bám sát thực tiễn, có ý nghĩa thiết thực đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Một số hình ảnh về các lớp tập huấn:
[wc_row] [wc_column size=”one-half” position=”first”] [/wc_column] [wc_column size=”one-half” position=”last”] [/wc_column] [/wc_row]