Tham quan chuỗi sản xuất lúa gạo tại huyện Thanh Oai.

Ngày 14 tháng 11 năm 2021, Trường CĐCĐ Hà Tây đã phối hợp Trung tâm phát triển nông nghiệp và đài Phát thanh và truyền hình thành phố Hà Nội tổ chức cho học viên lớp Lớp Đào tạo nâng cao trình độ quản lý kỹ thuật cho nông dân phục vụ Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025 đi thăm quan, tìm hiểu quy trình chuỗi sản xuất lúa gạo ở huyện Thanh Oai.

 Xã Tam Hưng là một trong những mô hình đầu tiên của Thành phố Hà Nội phát triển chuỗi lúa gạo. Với 2 sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng và bắc thơm số 7 đạt tiêu chuẩn OCOP của thành phố Hà Nội, HTX Kinh doanh dịch vụ Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) đã khẳng định được vị thế và hiện đang tiếp tục phát triển chuỗi lúa gạo theo hướng bền vững, phát huy lợi thế vùng trồng lúa chất lượng cao trọng điểm của thành phố Hà Nội.

Hình ảnh học viên tham quan trang thiết bị máy móc nâng cao giá trị lúa gạo.

Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết, từ năm 2012, Tam Hưng đã được chọn tham gia Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố Hà Nội. Vùng trồng lúa chất lượng cao của xã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể và giới thiệu về Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể; Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; Quy định sử dụng tem nhãn. Tổ chức quản lý việc sử dụng tên địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy chế, quy định, quy trình do Hợp tác xã ban hành.

Để nâng cao giá trị cho lúa gạo, HTX đã tham gia vào công tác hậu cần sau thu hoạch, hợp tác xã đã có nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến như hệ thống xay xát lúa gạo liên hoàn, lọc tạp chất, cân đóng bao bì tự động, máy hút chân không…nên chất lượng gạo thành phẩm được nâng cao hơn trước. Ngoài ra để kết nối thị trường HTX đã liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cụ thể: Liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương triển khai trồng 50ha lúa Đài thơm 8 và 30ha lúa Bắc hương 9; liên kết với Công ty cổ phần Gạo Bảo Minh trồng 20ha bằng giống lúa Tám hương sen (nhóm Japonica) và 30ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

     

Hình ảnh giám đốc HTX và học viên trong lớp

Hiện nay, “Gạo thơm Bối Khê” sau xay xát được đóng gói có logo, nhãn hiệu sản phẩm hoặc đóng bao lớn theo yêu cầu của khách hàng, với giá bán 30.000 đồng/kg gạo gếp cái hoa vàng và 18.000 đồng/kg gạo Bắc thơm số 7. Nhờ nỗ lực phát huy giá trị của nhãn hiệu tập thể, sản phẩm gạo của Tam Hưng đã khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân..

 Đây là những kinh nghiệm quý để sau này các học viên lớp học chuyển đổi tư duy sản xuất lúa hàng hóa có thể  áp dụng và phổ biến nhân rộng trong thực tế. Đây cũng là cơ hội để người nông dân thuộc địa bàn các huyện trong thành phố vừa giữ được cây lúa gắn bó bao đời với làng quê vừa cải thiện cuộc sống

Đóng gói gạo thành phẩm tại HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng

Đánh giá về chuyến tham quan, tất cả học viên trong đoàn nhất trí rằng các mô hình đến tham quan đều rất hiệu quả và phù hợp với yêu cầu đề ra. Các học viên tham gia cũng phản hồi rất tích cực về đợt thăm quan và mong muốn có nhiều đợt  thực tế hơn để nâng cao kỹ năng trong canh tác và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Bài và ảnh: Nguyễn Anh Tuấn