Từ Huyện ủy Ứng Hòa đi về phía Tế Tiêu khoảng chừng 3km, hỏi thăm đến ông chủ nhiệm Hợp tác xã Nội Xá kiêm chủ trang trại thì chắc chắn nhân dân trong và ngoài huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội đều biết đến trang trại lúa – cá – lợn của ông Ngô Trung Tuyến. Có thể nói đây là một mô hình kinh tế nổi bật khiến nhiều người mơ ước.
May mắn được sinh ra và lớn lên tại một vùng quê giàu truyền thống cách mạng – thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội, đồng chí chủ nhiệm Hợp tác xã kiêm chủ trang trại Ngô Trung Tuyến là một nông dân rất mực yêu nghề.
Năm 1986, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đối với Nhà nước, anh bộ đội Ngô Trung Tuyến trở về quê hương với niềm trăn trở rằng mình phải tạo lập một nghề gì đó để có thể phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất ông cha. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khi ấy còn nhiều khó khăn nên ban đầu anh chỉ khởi nghiệp với việc làm ruộng kết hợp với nấu rượu nuôi lợn giống.
Khi đã có một số vốn trong tay, đầu năm 1994, anh mạnh dạn vay thêm vốn từ quỹ khuyến nông của Thành phố và bắt đầu đấu thầu đất 5% của xã mở trang trại nuôi lợn, trồng lúa và thả cá. Qua nguồn thu từ mô hình kinh tế này, đặc biệt là thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt từ việc thả cá, gia đình anh đã quyết định nuôi tăng số lượng và mở rộng quy mô sản xuất.
Đến trang trại của gia đình ông bây giờ đã có hai lô thả cá rộng gần 5 ha, hàng chục ngăn chuyên nuôi lợn nái và hàng trăm các loại gia cầm cũng như nhiều cây ăn quả khác.
Ông Tuyến cho biết, mô hình trang trại này hàng năm đều cho thu nhập cao, trừ tri phí sản xuất, mỗi năm cũng đã cho lãi hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông chủ trang trại cho biết muốn công việc chăn nuôi phát triển tốt, tránh được dịch bệnh thì quan trọng nhất là người chủ phải có kiến thức chuyên môn, đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc phòng dịch bệnh.
Trước đây có những thời điểm vì chưa nắm vững kỹ thuật nên có những thời điểm gia đình ông đã nhiều đêm mất ngủ vì số lượng cá chết hàng loạt. Thấm thía được sự mất mát quá lớn do thiếu kiến thức kỹ thuật, nên nhiều năm sau đó ngoài việc tích cực tham gia các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức; tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong xã để học hỏi kinh nghiệm và tham khảo thêm nhiều sách hướng dẫn, ông chủ trang trại này còn đăng ký học lớp Cao đẳng kinh tế hệ vừa học vừa làm do trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây tổ chức.
Khi chúng tôi thắc mắc đặt câu hỏi rằng tại sao ông vừa đi học, vừa đảm nhiệm công tác xã hội mà vẫn chu toàn được những công việc ở trang trại thì đồng chí Cựu sinh viên ham học hỏi này không ngại tiết lộ là mình đã có “hậu phương” vững chắc là bà xã rồi. Quả đúng như vậy, ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc tôi đã nhận ra “hậu phương” của ông là một người phụ nữ nhanh nhẹn và rất mực yêu chồng thương con. Cô đã cùng chồng gánh vác nhiều công to việc lớn trong nhà.
Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, việc chăn nuôi dần đi vào ổn định và cho thu nhập cao. Nở nụ cười mãn nguyện, đồng chí chủ nhiệm Hợp tác xã Nội Xá khẳng định, bây giờ thì mình có kiến thức và kinh nghiệm rồi, không phải lo gì về kỹ thuật nữa.
Gần 20 năm lao động và sáng tạo, bằng tinh thần tự học hỏi kinh nghiệm và đam mê nghề, trang trại của ông hiện nay là một trong những mô hình trang trại có hiệu quả kinh tế điển hình của thành phố Hà Nội.
Với thành tích nổi bật như vậy, ngày 28-11-2012 vừa qua, trang trại của ông vinh dự là một trong hai mô hình kinh tế tại thôn Nội Xá, xã Vạn Thái (Ứng Hòa – Hà Nội) được đồng chí Bí thư Thành ủyPhạm Quang Nghị đến thăm và chúc mừng. Tại đây, đồng chí Bí thư Thành ủy đã dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và vướng mắc của ông và các hộ dân trong quá trình triển khai xây dựng trang trại.
Trao đổi với chúng tôi, cựu sinh viên thành đạt Ngô Trung Tuyến luôn mong ước và tin tưởng các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sớm tháo gỡ những khó khăn về thuê đất, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây giống và con giống mới… giúp ông và các hộ nông dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một hécta đất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn.
Chia tay ra về, chúng tôi chân thành chúc cho Cựu sinh viên thành đạt tuổi Ất Tỵ này ngày càng tiến xa hơn nữa trên bước đường “thỏa nguyện đam mê” của mình./.