Ngày 22/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới đào tạo giáo viên Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới”
Tham dự hội thảo có GS, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của khoa Lý luận chính trị – Giáo dục công dân và nhiều thầy cô giáo đến từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Trong thế giới hội nhập, việc giáo dục để có những công dân hiện đại ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ở đó cần hai thành tố, đó là: Trách nhiệm của công dân đối với đất nước và công dân trong môi trường toàn cầu hoá. Những chuẩn mực, giá trị và định chế phải được giáo dục từ nhà trường, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước trong thời kì hội nhập. Điều đó không chỉ yêu cầu cao với chương trình giáo dục phổ thông nói chung và môn Giáo dục công dân nói riêng, mà còn yêu cầu cao hơn đối với người triển khai, thực hiện – đó là đội ngũ thầy cô dạy môn học này.
Cần giáo dục để mỗi học sinh trở thành một công dân có tình yêu gia đình, quê hương đất nước, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và Tổ quốc trước khi họ trở thành những nhà chuyên môn giỏi. Vì rằng, mỗi người Việt Nam hay bất kì người của dân tộc nào, để đi đến văn minh và tương lai đều cần có hai thứ: tâm hồn của nơi họ được sinh ra và trí tuệ của nhân loại.
Tại Hội Thảo, GS.Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ bên cạnh kế thừa những ưu điểm của Chương trình môn Giáo dục công dân có sự phát triển so với chương trình hiện hành. GS.Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng cụ thể, đó là: Giáo dục những kỹ năng sống thiết thực đối với học sinh; thay thế những kiến thức chính trị, hàn lâm bằng những kiến thức thiết thực cho học sinh. Lược bỏ những kiến thức triết học, đạo đức học trừu tượng, bổ sung những kiến thức thiết thực về pháp luật, lao động…bên canh các kiến thức về nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân đã có trong chương trình.
Được sự nhất trí của Ban Giám hiệu, tổ Lý luận chính trị – Khoa Khoa học cơ bản đã cử giảng viên tham dự Hội thảo nhằm nắm bắt những nội dung mới nhất về chương trình môn học Giáo dục công dân ở phổ thông cũng như những yêu cầu mới đặt ra đối với người giáo viên giảng dạy các môn Giáo dục công dân và Giáo dục chính trị hiện nay. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong cách thức tiếp cận môn học Chính trị trong đào tạo nghề, góp phần thức hiện mục tiêu giáo dục toàn diện./.
Bài và ảnh: Bùi Thị Ngọc Lan