Về lại ngôi trường cũ từng đong đầy biết bao kỷ niệm tươi đẹp thời sinh viên – trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây vào sáng ngày 30/5/2014 để tham gia tuyển dụng với tư cách là Giám đốc của một công ty nổi tiếng chuyên về nội thất – Công ty TNHH P&P Việt Nam, chị Lại Thị Ngân Trang – Cựu sinh viên lớp Kinh tế 10 đã đem đến những chia sẻ rất thân tình với các bạn sinh viên. Thái độ thân tình của chị ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của rất nhiều học sinh, sinh viên. Bạn Thu Hoài – Lớp Công nghệ thực phẩm 11, sau khi rời bàn dự tuyển vui vẻ nói: “Chị Thu Trang thật tuyệt vời, em rất mong sẽ được làm việc tại Công ty của chị ấy”.
Là một doanh nhân trẻ, đảm nhiệm cương vị Giám đốc ngay từ khi rời ghế nhà trường, chị đã kịp đúc rút cho mình rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Chị đã biến buổi phỏng vấn tuyển dụng thành một buổi giao lưu thân tình. Hôm đó, chị đã chia sẻ rất nhiều và tỉ mỉ về các vấn đề như: thực tế việc làm sau khi ra trường của sinh viên, những lí do khiến sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm thích hợp, vấn đề định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, rèn luyện kĩ năng mềm bên cạnh việc học kiến thức,…
Nghe chị nói, chúng tôi hiểu để có một việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là mơ ước của hầu hết các bạn trẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường lao động việc làm nhiều cạnh tranh như hiện nay, cơ hội tìm được một công việc đúng chuyên ngành là điều không dễ dàng. Trước những thách thức nêu trên, đòi hỏi bản thân người học phải có cách nhìn nhận mới về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Chị Ngân Trang quả thực là một trong những tấm gương sáng để các thế hệ các em sinh viên của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây sau này noi theo. Điều này không chỉ thể hiện ở sự thành công của chị sau này mà còn thấy rất rõ khi chị luôn là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của lớp, khoa và cả nhà trường khi còn là sinh viên.
Càng ngưỡng mộ chị Trang bao nhiêu, các bạn trẻ càng cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng khi ra trường. Sẽ có rất nhiều bạn tìm được công việc ưng ý, tuy nhiên một số khác sẽ đối mặt với những ngành nghề hoàn toàn không được đào tạo trên ghế nhà trường. Tất nhiên, không ai muốn mình học đại học 4-5 năm hay cao đẳng 3 năm rồi lại bỏ để chuyển sang ngành khác. Nhưng cũng không nên khư khư chỉ muốn làm công việc đúng ngành đào tạo để mất đi các cơ hội khác. Dù bạn làm việc đúng hay trái ngành, hãy luôn cởi mở tư tưởng để tiếp thu kiến thức mới. Hãy cố gắng thích nghi và rèn luyện thái độ và hướng suy nghĩ tích cực để có thể biến thách thức thành cơ hội trên con đường lập nghiệp./.